Thuốc trị ho khan, cần dùng thế nào để hiệu quả cao nhất?

Ho khan không phải là bệnh, ho khan là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau. Đây là điều hay nhầm nên việc dùng thuốc điều trị ho khan thường không hiệu quả, chỉ giải quyết triệu chứng, không loại bỏ được căn nguyên gây bệnh, ho xuất hiện trở lại.

Ho khan cũng là một triệu chứng khi bị nhiễm COVID-19. Vì vậy nếu có kèm sốt, khó thở cần được xác định có nhiễm COVID-19 hay không? Ho khan là tình trạng ho không tạo ra đờm hoặc các chất nhầy, ho khan cấp tính thường trong khoảng 1-2 tuần và ho khan mạn tính kéo dài trên 4 tuần.

Thuốc trị ho khan, cần dùng thế nào để hiệu quả cao nhất?

Ho khan là một biểu hiện khá phổ biến và bắt gặp ở nhiều đối tượng khác nhau từ trẻ nhỏ tới người già. Về cơ bản nếu chỉ ho khan, không kéo dài và không kèm theo biểu hiện bệnh khác thì không quá ảnh hưởng tới sức khỏe, thường không dùng thuốc mà sử dụng liệu pháp uống nước: Uống nước ấm, nhiều ngụm nhỏ, rải rác trong ngày.

Trong trường hợp phải sử dụng thuốc, thuốc ho được dùng theo hai nhóm:

Thuốc giảm ho khan do các nguyên nhân ngoại biên

Thường có các dạng như uống, xịt hoặc ngậm tại chỗ:

Thuốc xịt họng: Có thành phần chứa kháng sinh đa peptid như: benzakonium, fulsagin, hexaspray, neomycin… ; thuốc chứa corticoid như betamethasol, fluticasol (seretide, flixotide); thuốc chứa các hoạt chất giãn phế quản như salbutamol, terbutalin, bambec, berodual…

Cách dùng: Liều lượng và số lần dùng thuốc ở người lớn và trẻ em khác nhau nên người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Thường điều trị không quá 10 ngày; Sử dụng đúng cách, nếu quá thời hạn này mà triệu chứng ho khan không dứt cần xem xét lại việc điều trị.

Thuốc ngậm tại họng: Là thuốc dạng viên mà người dùng không được nuốt, giữ trong khoang miệng hoặc đặt dưới lưỡi cho tan để hoạt chất phóng thích và hấp thu qua niêm mạc miệng vào máu hoặc cho tác dụng tại chỗ. Dạng thuốc này thích hợp với người bệnh gặp khó khăn trong việc uống thuốc viên (như bị nôn hoặc bị các triệu chứng liên quan đến bệnh đường tiêu hóa).

Thuốc thường chứa các hoạt chất như các chất chống viêm, tinh dầu bạc hà (menthol), tinh dầu tràm (eucalyptol) hoặc tinh dầu bạch đàn, mật ong, gừng, chanh… có tác dụng sát trùng, sát khuẩn, làm dịu các cơn ho, dịu thanh quản, đau họng, khản giọng… Hiện nay có nhiều thuốc viên ngậm Đông y như bổ phế ngậm hoặc kẹo ngậm trị ho.

Thuốc trị ho khan, cần dùng thế nào để hiệu quả cao nhất?

Thuốc giảm ho khan do nguyên nhân trung ương

Thuốc kháng histamin

Thường được sử dụng khi ho khan nguyên nhân do dị ứng (kháng histamin H1) hoặc ho trào ngược (kháng histamin H2). Có rất nhiều chế phẩm đang lưu hành trên thị trường, nhưng chúng được chia thành 2 nhóm chính, là thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1 và thuốc kháng histamin H1 thế hệ 2.

Thuốc kháng histamin H1 có các thế hệ 1, 2, 3… gây ức chế hệ thần kinh trung ương ngay ở liều điều trị nên bệnh nhân khi uống có thể giảm sự tỉnh táo, hay buồn ngủ. Tuy nhiên ở những thế hệ sau của nhóm này, tác dụng gây buồn ngủ cũng được hạn chế. Thuốc kháng histamin cũng gây khô miệng, họng và mũi.

Thuốc ức chế cơn ho

Các thuốc này ức chế trực tiếp, làm nâng cao ngưỡng kích thích của trung tâm ho ở hành tủy, đồng thời có tác dụng an thần, ức chế nhẹ trung tâm hô hấp. Thuốc thường có các thành phần như:

Codein: Giảm ho do ức chế trực tiếp trung tâm ho, nhưng đồng thời cũng làm khô và tăng độ quánh của dịch tiết phế quản. Dùng codein trong trường hợp ho khan gây khó chịu, mất ngủ.

Dextromethorphan là thuốc giảm ho có tác dụng lên trung tâm ho ở hành não. Thuốc không dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi, đang điều trị bằng thuốc ức chế monoaminoxydase (MAO). Đối với người có nguy cơ hoặc đang suy giảm hô hấp, tiền sử bị hen, dị ứng khi dùng cần hết sức thận trọng.

Nên tìm nguyên nhân để điều trị, như ở những người sử dụng một số thuốc hạ áp có thể ho kéo dài do tác dụng phụ của thuốc, phải thay đổi thuốc mới hết được ho. Nếu ho do nguyên nhân từ trào ngược, người bệnh sẽ phải điều trị trào ngược song hành cùng những thuốc giảm cơn ho. Việc sử dụng các thuốc điều trị ho chỉ là chữa triệu chứng, cần tìm đúng căn nguyên gây ho khan và điều trị triệt để thì tình trạng ho khan mới được chấm dứt.

 

PGS.TS. Phạm Thị Bích Đào

Phản hồi của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.