Khó thở hậu Covid-19 có thể từ các nguyên nhân tồn tại trước khi mắc bệnh. Sau khi nhiễm nCoV, chúng bùng phát hay trầm trọng hơn do virus tác động lên hệ cơ trên cơ thể.
Bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do SARS-CoV-2 gây ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng và tiếp tục thay đổi lối sống của mọi người trên khắp thế giới từ năm 2020. Các triệu chứng được báo cáo phổ biến nhất ở bệnh nhân hậu Covid-19 bao gồm khó thở dai dẳng và mệt mỏi kéo dài lần lượt lên đến 51% và 63%. Đây cũng là một trong những di chứng kéo dài nhất.
Covid-19 đã được chứng minh là ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, bao gồm cả hệ thống cơ xương, gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, đau khớp, đau cơ và yếu cơ, có thể kéo dài trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau khi khỏi bệnh.
Ngoài ra, một số nghiên cứu chỉ ra rằng các triệu chứng cơ xương khớp được quan sát thấy ở những bệnh nhân dương tính với nCoV có thể là do rối loạn thần kinh cơ, cơ hoặc tự miễn dịch từ trước.
Ba nghiên cứu đã báo cáo rằng một số người bị bệnh nhược cơ, rối loạn tự miễn dịch mạn tính sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Bác sĩ Yung Hao Tseng và Tai-Heng Chen, Bệnh viện Đại học Y Cao Hùng, Đài Loan (Trung Quốc), cũng gợi ý rằng những người bị bệnh thần kinh vận động và chứng loạn dưỡng chất có thể có nguy cơ cao biểu hiện các triệu chứng cơ trầm trọng hơn sau khi mắc Covid-19.
Bên cạnh đó, một chứng viêm cơ có thể gây đau, yếu cơ (các triệu chứng được quan sát thấy trong Covid-19) đã được ghi nhận trong nhiều bệnh lý do virus như parainfluenza; cúm A/B; viêm gan A, B, C và E; HIV; Dengue và West Nile.
Do đó, khó thở hậu Covid-19 cũng có thể từ các nguyên nhân tồn tại trước mắc bệnh. Sau khi nhiễm nCoV, chúng bùng phát hay trầm trọng hơn do virus tác động lên hệ cơ trên cơ thể, không nhất thiết phải có di chứng tim, phổi.
Phổ biến nhất là tình trạng mất cân bằng thần kinh cơ vận động vùng thân trên trở nên trầm trọng hơn sau khi mắc Covid-19. Đây là hội chứng phổ biến nhất trong thời đại 4.0 (còn gọi hội chứng chéo thân trên) thường gặp ở bộ phận văn phòng hoặc làm việc với tư thế ngồi hay đứng nhiều, sử dụng điện thoại, máy vi tính.
Chúng ta có thể thấy hình ảnh điển hình của những người mắc hội chứng này là khi nhìn ngang, đầu cổ nhô ra trước, vai tròn xệ, lưng gù, ngực hõm. Chúng dẫn đến các vấn đề sức khỏe thứ cấp như đau cổ vai gáy, căng cơ mỏi cơ, nhức đầu, đau khớp vai, chèn ép mỏm cùng vai, tê tay, khó thở…
Trên lâm sàng điều trị phục hồi chức năng khó thở hậu Covid-19 tại Bệnh viện 1A, TP.HCM, bác sĩ gặp nhiều ca bệnh tương tự. Bản chất mất cân bằng hệ cơ gây lệch vẹo xương khớp chỉ có thể tái lập bằng việc khám phát hiện, điều trị hiệu chỉnh, điều trị nội khoa. Các phương pháp vật lý trị liệu khác không thể giúp tái lập sự cân bằng này.
Những người mắc hội chứng này gặp các vấn đề về hô hấp do khung xương sườn không thể mở rộng hoàn toàn trong kỳ phổi hít vào. Khi nằm, họ thấy dễ thở hơn ngồi hay đứng. Khi lồng ngực bị bó chặt, ít không gian khoang hơn cho dạ dày và ruột, điều này cũng có thể dẫn đến các triệu chứng như táo bón, tiêu chảy, đau bụng, đầy hơi hoặc thường xuyên khó tiêu.