Được biết, chỉ trong 3 ngày cuối tuần, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận tới 21 ca COVID-19 nặng, nguy kịch từ nhiều địa phương chuyển về.
Theo thông tin được đăng tải trên Báo Sức khỏe & Đời sống, sáng 25/7 lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, những ngày gần đây cơ sở hai của bệnh viện liên tục tiếp nhận các ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch chuyển về.
Ảnh minh họa
Cụ thể, theo lãnh đạo khoa Hồi sức tích cực, hiện khoa đang điều trị cho 25 bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch. Trong số này có 13 bệnh nhân phải thở máy, số còn lại phải thở oxy mask hoặc HFNC (oxy dòng cao). Tuy nhiên, các bệnh nhân đa số đều là người cao tuổi, có bệnh lý nền, một số ca trung niên thì mắc ó bệnh nền nặng như HIV, ung thư. Tiên lượng của các bệnh nhân này đều xấu, nhiều ca có nguy cơ tử vong do bản thân bệnh nền phức tạp và yếu tố tuổi tác.
Vacxin – Vẫn là giải pháp tốt nhất để phòng chống dịch Covid 19
Các bác sĩ nhấn mạnh vai trò của tiêm vaccine COVID-19 trong việc hạn chế khả năng và tình trạng tăng nặng nếu nhiễm virus.
Theo kết quả nghiên cứu tại Pháp cho thấy nếu được tiêm liều nhắc sẽ bảo vệ khỏi tái nhiễm virus lên đến 81%. Kết quả nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho biết, những người từng mắc COVID-19 nếu chỉ tiêm 2 liều thì hiệu quả phòng nhập viện do tái nhiễm là 34,6%, nhưng nếu được tiêm liều nhắc thì hiệu quả này lên đến 67,6%.
Ngoài ra, trước đó vào chiều 4/7, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng cho biết các nghiên cứu trên thế giới cho thấy hiệu quả của vaccine COVID-19 giảm dần theo thời gian, khoảng 6 tháng sau khi tiêm.
Vì vậy, WHO và CDC Mỹ đã khuyến cáo tiêm mũi 3, 4 để phòng chống dịch. Nhiều nước đã tiêm mũi 3, 4 cho người lớn và trẻ vị thành niên.
Tại Việt Nam, biến chủng BA.4 và BA.5 đã xuất hiện và có nguy cơ lây lan cao. Do đó, nếu người dân chủ quan không tiêm mũi 3, 4 (mũi nhắc lại lần 1 và 2), miễn dịch cộng đồng sẽ suy giảm. Ngoài ra, khi không chú trọng các biện pháp phòng chống, dịch bệnh có nguy cơ rất cao bùng phát trở lại.
Tổng hợp