Viêm họng cấp ở trẻ là biểu hiện phổ biến trong các bệnh lý về đường hô hấp. Viêm họng cấp dễ gặp và cũng hay tái phát do sự phát triển mạnh của yếu tố gây bệnh.
Điều này cũng ảnh hưởng đến trẻ, có thể biến chứng nếu chậm và điều trị không đúng. Các biến chứng có thể xảy ra như viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, viêm cầu thận cấp…
Họng là cửa ngõ của không khí, thức ăn và nước uống nên thường tiếp xúc tác nhân gây viêm. Trong khi trẻ em có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, thời tiết thay đổi, ô nhiễm, sức đề kháng của trẻ sẽ suy giảm, khiến trẻ dễ mắc viêm họng.
Một điều khiến viêm họng ở trẻ dễ tái phát là sự phát triển mạnh của vius, vi khuẩn, nấm do sự biến đổi khi hậu và môi trường. Ngoài ra, trẻ hay viêm họng còn do thói quen sai lầm của cha mẹ trong quá trình chăm sóc. Để trẻ bị lạnh, chạy vui chơi khiến cơ thể bé bị nhiễm lạnh, dẫn đến viêm họng cấp hoặc trẻ có thể bị lây mầm bệnh từ những người khác.
Nguyên nhân viêm họng ở trẻ em
Nguyên nhân của viêm họng cấp thường là virus vi khuẩn. Virus thường gặp là virus cúm, virus sởi, virus Adeno… Với vi khuẩn, thường gặp là vi khuẩn phế cầu, liên cầu, tụ cầu, Hemophillus Influenzae. Nguy hiểm hơn cả là liên cầu khuẩn nhóm A (S. Pyogenes) vì nó là thủ phạm gây nên biến chứng của viêm họng, dẫn đến viêm khớp cấp (thấp tim tiến triển), viêm cầu thận cấp ở trẻ, là những bệnh khá nguy hiểm.
Ngoài các nguyên nhân đó phải kể đến các yếu tố nguy cơ như: Thay đổi thời tiết, nóng, lạnh đột ngột, mưa nhiều, ẩm ướt, bụi bẩn, khói thuốc lá, thuốc lào hoặc gặp ở trẻ còi xương suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém, vệ sinh răng miệng, họng chưa đúng cách.
Dấu hiệu nhận biết viêm họng cấp
Dấu hiệu của viêm họng cấp ở trẻ thường khởi phát đột ngột, sốt cao 39-40°C, rét run… Khi đó trẻ còn có các dấu hiệu kèm theo như: Nuốt đau, rát họng, khàn tiếng, ho… ở trẻ nhỏ quấy khóc, không chịu ăn, trẻ còn bú mẹ thường bú ít hoặc bỏ bú, ít ngủ… Ngoài ra, trẻ mắc viêm họng chảy nước mũi nhầy, môi khô, lưỡi bẩn, mệt mỏi. Điều thường thấy trẻ viêm họng hay có viêm tấy hạch vùng cổ, hạch góc hàm (sưng, đau).
Thông thường, bệnh viêm họng cấp nếu do virus gây ra thường trong vòng từ 3-4 ngày, nếu sức đề kháng của trẻ tốt thì bệnh sẽ giảm dần và sẽ mất đi rất nhanh. Nhưng khi sức đề kháng yếu hoặc do vi khuẩn gây ra thì bệnh diễn biến phức tạp hơn, nặng hơn và có thể gây biến chứng như: Viêm tai, viêm mũi, phế quản phế viêm, nhiễm khuẩn huyết hoặc trở thành viêm họng mạn tính. Nếu viêm họng do vi khuẩn liên cầu nhóm A (S. Pyogenes) sẽ gây biến chứng thấp tim hoặc viêm cầu thận cấp ở trẻ.
Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị viêm họng?
Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của các bác sĩ, không tự ý dùng kháng sinh, cha mẹ cần chú ý đến trẻ, cho trẻ nghỉ ngơi để giảm bớt tình trạng mệt mỏi. Cần giữ ấm cơ thể cho trẻ, nhất là bộ phận cổ và bàn chân, bàn tay. Cần chú ý đến dinh dưỡng cho bé, tăng cường chế độ ăn giàu Vitamin, khoáng chất giúp tình trạng đau họng được cải thiện, nâng cao hệ miễn dịch.
Về phòng bệnh, việc vệ sinh răng miệng hằng ngày vô cùng quan trọng để tránh trẻ viêm họng và các bệnh truyền nhiễm khác. Khi mắc bệnh hô hấp cần được điều trị dứt điểm tránh biến chứng. Cần đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường để tránh khói-bụi. Thời tiết chuyển mùa cần cho trẻ uống nhiều nước, tốt nhất là nước đun sôi để nguội. Tránh cho trẻ uống nước quá lạnh hoặc quá nóng, hay có thói quen ngậm kẹo, ăn kem.
Cần hướng dẫn cho trẻ cách rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Phòng ngủ cần thoáng mát, nếu có điều hòa nhiệt độ cần giữ ở mức nhiệt độ mát mẻ dễ chịu, nhiệt độ lý tưởng cho trẻ là khoảng 26 đến 28 ºC… giúp tránh nhiễm lạnh, để không dễ mắc bệnh viêm họng.