Cúm mùa là tác nhân gây ra các đợt kịch phát cấp nặng của COPD, hen suyễn, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Tiêm ngừa là giải pháp chủ động giúp phòng ngừa những biến chứng do cúm gây ra.
Vì sao cúm mùa nguy hiểm với người bệnh hô hấp?
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm chủ yếu do virus cúm chủng A, B và C gây ra. Khác với các nước ôn đới cúm mùa xảy ra vào thu đông thì ở Việt Nam cúm thường bộc phát, tăng tỷ lệ mắc vào thời điểm giao mùa như tháng 3, 4, 5 hay tháng 7, 8.
Mỗi năm, trên thế giới có khoảng gần 5 triệu người bị ảnh hưởng nặng nề bởi cúm mùa. Riêng tại Việt Nam, theo thống kê hàng năm có khoảng 800.000 – 900.000 người mắc phải căn bệnh này. Trong đó, người bệnh hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn, khí phế thũng… là nhóm người dễ bị ảnh hưởng nhất với tỷ lệ nhập viện và tử vong cao.
Cúm mùa là tác nhân gây ra các đợt cấp ở người bệnh COPD, khiến bệnh trở nặng và nguy hiểm hơn. Trong 50% những đợt cấp do virus thì có đến 25-28% nguyên nhân đến từ virus cúm. Và 1/4 các trường hợp COPD nhập viện là do cúm mùa. Đặc biệt, ở bệnh COPD khi nhập viện có tiến triển thành suy hô hấp, thở máy thì tỷ lệ tử vong lên đến 50%.
Tương tự, cúm mùa cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến bệnh nhân hen suyễn. Đây là nguyên nhân khởi phát, khó kiểm soát các cơn hen cấp ở cả người lớn và trẻ em, đồng thời hen sẽ diễn tiến nặng hơn trong tương lai.
Ở người bệnh hô hấp, nguy cơ lây nhiễm tương tự như người bình thường nhưng khả năng trở nặng rất nhanh. Theo thống kê, tỷ lệ tử vong trung bình do cúm mùa là 0,5-1%, nhưng ở người bệnh hô hấp như
COPD thì tỷ lệ này tăng lên gấp 2-5 lần. Đặc biệt nếu có nhiều bệnh đi kèm như vừa mắc bệnh tim vừa có bệnh phổi thì tỷ lệ tử vong có thể lên gấp 20-40 lần so với người khỏe mạnh.
Đừng đánh đồng cảm lạnh và cúm mùa
Các chuyên gia nhận định, đại đa số người Việt đều cho rằng cảm và cúm là chung một bệnh lành tính như nhau. Tuy nhiên, đây là 2 căn bệnh riêng biệt. Dù có những triệu chứng tương đồng nhưng khả năng gây biến chứng hoàn toàn khác nhau.
Trong khi cảm lạnh chỉ xuất hiện các triệu chứng tương đối nhẹ và ngắn như đau họng, sốt nhẹ, hắt hơi, sổ mũi, nhức đầu. Đa phần, cảm lạnh chỉ gây nhiễm trùng hô hấp trên, không dẫn đến biến chứng nặng tử vong và chỉ cần nghỉ ngơi, không cần uống thuốc sẽ tự khỏi.
Nhưng cúm mùa thì ngược lại, các biểu hiện của nó thường trầm trọng hơn như đau nhức mình mẩy nặng nề, người suy nhược không muốn làm việc, sốt cao và có thể chuyển thành ác tính.
Cúm mùa có thể gây áp lực lên cả đường hô hấp trên và lan xuống đường hô hấp dưới, tấn công dồn dập gây viêm phổi. Đây là một trong những biến chứng thường gặp nhất ở người già trên 65 tuổi, người mắc bệnh hô hấp mạn tính.
Đồng thời, cúm mùa khi không được điều trị hoặc điều trị muộn sẽ là khởi nguồn cho các bệnh viêm tai giữa, viêm xoang, hay diễn tiến nhanh chóng thành suy hô hấp cấp, suy đa cơ quan và tử vong nhanh chóng. Trên thực tế, đã có những trường hợp mắc cúm mùa có biến chứng phù não, phù phổi, viêm cơ tim, tổn thương gan, thận và tử vong chỉ sau 2 ngày phát hiện bệnh.
Vì thế, điều quan trọng nhất là phân biệt được cúm mùa và cảm lạnh để có hướng điều trị phù hợp. Mỗi người cần trang bị kiến thức và nên đặt cúm mùa trở về đúng vị trí của nó, không đánh đồng với cảm lạnh để xảy ra các biến chứng đáng tiếc.
Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ cảm cúm nên nhanh chóng đi khám bác sĩ. Đặc biệt nên theo dõi, lắng nghe biểu hiện của cơ thể, khi thấy khó thở, thở gấp, đau tức ngực/bụng, chóng mặt, nôn hoặc các triệu chứng dường như đã thuyên giảm nhưng sau đó lại tái phát hoặc trở nên nghiêm trọng hơn thì đừng chần chừ, hãy đến bệnh viện ngay. Đây có thể là những dấu hiệu mà cơ thể đang cố gắng cảnh báo rằng bệnh đã ở mức độ nguy hiểm.
Một mũi tiêm hàng năm giúp tránh xa bệnh cúm đến 98%
Cúm mùa là bệnh lây truyền trực tiếp từ người qua người, khi đã nhiễm bệnh có thể diễn tiến nhanh chóng khiến chúng ta không kịp trở tay. Do đó, phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh.
Trong khi nhiều căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác vẫn đang mong chờ và kỳ vọng sớm có vắc xin để phòng ngừa chủ động thì cúm mùa đã làm được điều đó từ hơn nửa thế kỷ trước.
Khả năng bảo vệ của vắc xin cúm sau khi tiêm ngừa lên đến 98%. Chỉ một mũi tiêm hàng năm giúp giảm khả năng mắc bệnh, giảm thời gian nằm viện, tỷ lệ biến chứng và tử vong. Nhất là với những người dễ gặp biến chứng của cúm mùa như bệnh nhân hen suyễn, COPD, khí phế thũng…
Tiêm ngừa cúm mùa cho người bệnh hô hấp mạn tính cũng là một trong khuyến cáo quan trọng của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế, GOLD 2019 (Hiệp hội Sáng kiến toàn cầu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, 2019) và GINA 2019 (Sáng kiến toàn cầu về hen).
Trong đó, vắc xin cúm thế hệ 3 là lựa chọn an toàn cho người bệnh hô hấp, kể cả phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú mà không ảnh hưởng đến thai nhi, trẻ sơ sinh.
Đây là vắc xin virus cúm bất hoạt, các thành phần kháng nguyên sẽ được điều chỉnh dựa trên các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới để phù hợp với các chủng virus cúm biến đổi mỗi năm và có thể tiêm đồng thời với các loại vắc xin khác mà không gây tương tác. Vắc xin cúm thế hệ 3 được đánh giá là an toàn, hiệu quả và ít tác dụng ngoại ý so với các thế hệ cũ.