Nắng nóng, trẻ nhập viện vì viêm phổi tăng đột biến

Gần đây, tình trạng trẻ nhập viện vì viêm phổi tăng, viêm tai giữa gia tăng đột biến. Điều này có thể lý giải do nắng nóng, thời tiết mưa nắng, biến đổi thất thường, không khí ô nhiễm. Mặc khác, giai đoạn này trẻ đang nghỉ hè, nên việc ăn uống vui chơi ít bị kiểm soát hơn.

Trẻ nhập viện đa phần vì các bệnh hô hấp

Chị Hoàng Khánh (36 tuổi, sống ở Thanh Oai, Hà Nội), đưa con 11 tháng từng nhiễm nCoV, tiền sử suy hô hấp, sức đề kháng kém đi khám vì viêm tai giữa, có mủ, ho, thở rít từng cơn sốt cao 3-4 ngày không hạ nhiệt độ.

Trước đó, chị đã đưa bé Minh đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, được bác sĩ nhận định không có vấn đề về phổi. Tuy nhiên, chỉ sau một ngày, Minh đã xuất hiện triệu chứng viêm phổi. Bệnh tiến triển nhanh nên chị đã đưa con đến Bệnh viện Thanh Nhàn để điều trị.

Với chẩn đoán viêm tai giữa kèm viêm phổi, bé Minh được các bác sĩ tích cực điều trị. Được biết, khi ở nhà, gia đình chị K. hay bật điều hòa khoảng 28-29 độ để con dễ ngủ do trời nóng.

Tương tự, bé Giang (22 tháng tuổi, sống ở Hà Nội), được mẹ đưa vào bệnh viện khám vì viêm phế quản kèm viêm phổi. Trước khi nhập viện, Giang ho, đờm nhiều, sốt cao 39-40 độ.

Sau gần một tuần điều trị theo phác đồ của bác sĩ, tình trạng viêm phổi của bé cải thiện nhưng lại bị viêm tai giữa, họng, mũi.

Chị Lê Thu Hiền (30 tuổi, sống ở Hà Nội), đưa bé Long 20 tháng tuổi đến bệnh viện khám vì viêm tai giữa. Khi ở nhà, Long bị sốt cao, chán ăn nên gia đình cho bé đi kiểm tra phổi, soi tai. Kết quả, bác sĩ chẩn đoán bị viêm tai giữa.

Bé được bác sĩ điều trị hơn một tuần, tiêm thuốc trong 2 ngày tại bệnh viện. Hiện, sức khỏe Long đã ổn định, tình trạng viêm giảm 80%.

Lượng bệnh nhi nhập viện tăng đột biến

Trao đổi với Zing, bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, khoa Nhi và đơn nguyên sơ sinh, cho biết hơn một tháng trở lại đây, số lượng bệnh nhi đến khám, điều trị tại khoa tăng đột biến, khoảng 150-200% so với 2 tháng trước.

Phần lớn trẻ nhập viện đều mắc các bệnh lý đường hô hấp như sốt cao, ho, khò khè, khó thở, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết,… thậm chí co giật.

Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang. Ảnh: Minh Thúy.

Nhiều bé mới 2-3 tháng tuổi đã bị ho, viêm phổi nặng phải thở oxy. Nguyên nhân chính gây bệnh là do virus hợp bào hô hấp (RSV). Đến nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu virus RSV nên các bác sĩ chủ yếu giảm các biến chứng cho bệnh nhi.

Hiện, trẻ quay trở lại trường học, thay đổi môi trường, thói quen nên dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Nếu trẻ ở phòng lạnh, điều hòa quá lâu, không khí khô sẽ khiến niêm mạc mũi dễ tổn thương, virus dễ xâm nhập.

Bác sĩ Nguyễn Hương Giang, khoa Cấp cứu Nội – Nhi, cho hay lượng trẻ bị sốt, nôn, nhiễm khuẩn tiêu hóa, tay chân miệng, cúm A,… vào viện tăng, trong đó 90% bé đã mắc Covid-19. Các triệu chứng của bệnh nhi đều tách biệt với Covid-19.

Trung bình một ngày, khoa tiếp nhận 20-25 bệnh nhi, tăng so với thời gian trước. Trẻ cần nhập viện để điều trị chiếm khoảng 60%.

Cha mẹ đưa con vào bệnh viện khám. Ảnh: Minh Thúy.

Chú ý những dấu hiệu bất thường ở trẻ

Theo bác sĩ Sang, trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, cha mẹ cần cho trẻ đi khám khi thấy con có biểu hiện như sốt cao từ hai ngày trở lên, ho, khò khè, chảy mũi kéo dài, nôn, tiêu chảy.

Sai lầm lớn nhất các mẹ thường gặp là tự ý đi mua thuốc điều trị cho con trước khi đến bệnh viện khám, được bác sĩ tư vấn, chỉ định. Việc làm này có thể vô tình kéo dài thời gian điều trị bệnh, thời gian chẩn đoán muộn.

Với thời tiết tại Hà Nội, việc sử dụng điều hòa cần thiết với gia đình có trẻ nhỏ. Phụ huynh nên để điều hòa 27-28 độ, không nên để lạnh hoặc nóng quá, tránh tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển gây bệnh.

Cùng với đó, cha mẹ cần lên kế hoạch lập chế độ ăn hợp lý, đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho con, tạo sức đề kháng tốt, không ăn hoặc uống đồ lạnh. Nếu trẻ chơi ngoài trời nóng, người thân không nên cho bé uống nước lạnh hoặc tắm ngay, có thể khiến cơ thể thay đổi nhiệt độ đột ngột, tiềm ẩn nguy cơ cảm lạnh.

Để phòng bệnh hiệu quả, bác sĩ Giang khuyến cáo gia đình cần chăm sóc trẻ tại nhà khi bé sốt bằng cách dùng thuốc hạ sốt theo cân nặng, chườm ấm, mặc quần áo thoáng mát, uống nước hoa quả (cam, dừa,…), bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Nếu tình trạng trẻ không cải thiện cần đưa bé đến bệnh viện để khám kịp thời.

Dự báo, các bệnh lý về hô hấp sắp tới có thể sẽ gia tăng. Do đó, để phòng ngừa hiệu quả cha mẹ nên quan tâm, chăm sóc con nhiều hơn, vệ sinh sạch sẽ trước bữa ăn. Đồng thời, nâng cao đề kháng cơ thể trẻ bằng các sản phẩm, thực phẩm chăm sóc sức khỏe giàu dinh dưỡng.

Theo Báo Zing.vn

Phản hồi của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.